CÁCH XỬ LÝ TÌNH HUỐNG KHI TRẺ NÓNG GIẬN
Tin Tức
Tin Tức
CÁCH XỬ LÝ TÌNH HUỐNG KHI TRẺ NÓNG GIẬN
Ngày đăng : 31/08/2019 - 11:14 AMCác cơn nóng giận ở trẻ như mè nheo, khóc, ăn vạ … đều là kết quả của việc trẻ không được đáp ứng nhu cầu của bản thân hoặc là cách biểu lộ trẻ đang thiếu thoải mái. Nóng giận là trạng thái khó kiểm soát cảm xúc của trẻ và cần được xử lý khéo léo nếu không sẽ trở thành thói quen xấu. Tuy nhiên có nhiều cha mẹ chỉ biết la mắng và quát nạt và ít người biết cách xử lý tình huống cho phù hợp. Dưới đây là một số cách thức xử lý khi trẻ nóng giận:
- Giúp trẻ bình tĩnh, giảm sự tức giận ngay lập tức:
+ Khi tức giận, trẻ thường mất bình tĩnh và bối rối trong việc trình bày hoặc diễn đạt ý mình, thậm chí cảm xúc tức giận có thể gia tăng nếu có người khác hỏi thăm.
+ Khi đó một cái ôm, vỗ về hay lời nói nhẹ nhàng của bố mẹ sẽ làm dịu nhẹ cảm xúc tức giận của trẻ. Hãy nhớ, khi bình tĩnh thì mọi việc đều dễ giải quyết hơn. Đừng quát nạt và đe dọa trẻ, điều đó chỉ là “thêm dầu vào lửa”.
- Tìm hiểu nguyên do khiến trẻ tức giận và phân tích đúng sai cho trẻ nghe:
+ Nên đứng về cả hai phía (trẻ và người làm trẻ tức giận) để phân tích tình huống, nhấn mạnh hơn đến hậu quả có thể xảy ra khi tức giận. Điều này giúp trẻ nhận ra đúng sai trong hành động của mình.
+ Việc này là rất cần thiết, bởi nhiều bố mẹ có xu hướng la mắng và áp đặt rằng trẻ là người có lỗi, khiến cho trẻ cảm thấy ấm ức và tức giận hơn. Hoặc nếu bảo vệ trẻ quá mức và bênh vực trẻ sẽ dễ dẫn tới việc trẻ nghĩ sự tức giận của mình là phản ứng đúng và hợp lý khiến cho trẻ có thể áp dụng sự tức giận trong những tình huống khác sau đó.
- Gợi mở cho trẻ những cách thức giải quyết tình huống sau khi tức giận:
+ Thông thường khi trẻ nhận ra đúng sai trong hành động của mình, trẻ dần lấy lại được sự bình tĩnh và dễ dàng bỏ qua lỗi của người gây tức giận cho mình.
+ Việc gợi mở cho trẻ suy nghĩ về cách thức giải quyết sau khi đã tức giận giúp trẻ tránh những cảm xúc tiêu cực và xây dựng lại mối quan hệ với người gây tức giận cho mình.
- Dự đoán tình huống và ngăn chặn trước khi xảy ra
+ Nếu bé đã từng giận dữ vì một lý do nào đó mà đó mà ba mẹ chưa xử được, nên tránh để bé gặp lại tình huống đó lần nữa.
+ Nếu quan sát thấy trẻ có biểu hiện sắp giận dữ, hãy cảnh báo nhẹ nhàng để trẻ được biết. Hãy thay đổi khỏi vị trí ban đầu để con có thời gian điều chỉnh lại cảm xúc.
- Quan sát những dấu hiệu của sự căng thẳng:
+ Giận dữ là dấu hiệu bình thường ở trẻ, tuy nhiên ba mẹ cũng cần để mắt đến những dấu hiệu đó của con. Và lưu ý đến những nguyên nhân gây những kích động thần kinh và gây ra những cơn giận dữ: gia đình trục trặc, anh chị lớn bắt nạt, thầy cô la mắng, bạn bè trêu chọc, ba mẹ không có thời gian quan tâm con cái, …
+ Nếu trẻ thường xuyên có những màn ăn vạ, khóc lóc, la hét, đánh hoặc cắn người khác, giành đồ chơi,… hãy đưa con đến bác sỹ để tìm hiểu nguyên nhân và điều trị kịp thời để tránh gây tổn thương về thể chất và tinh thần của con.
(Tổng hợp)